Cách ông Trump có thể 'ngầm' rút Mỹ khỏi NATO
Luật Mỹ cấm tổng thống đơn phương rút Mỹ khỏi NATO, nhưng quốc hội khó áp dụng điều này, trong khi ông Trump có thể giảm cam kết với NATO để "rút lui ngấm ngầm".
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông hậu bầu cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 8/12 một lần nữa cảnh báo Mỹ sẽ cân nhắc rút khỏi NATO nếu các thành viên liên minh đóng góp ngân sách quốc phòng không công bằng.
Ông Trump từng đưa ra cảnh báo tương tự trong nhiệm kỳ một, khiến các thành viên còn lại trong NATO lo ngại. Quốc hội Mỹ tháng 12/2023 thậm chí thông qua luật giới hạn quyền lực của tổng thống liên quan NATO để phòng hờ.
Theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) được thông qua lúc đó, tổng thống không thể rút Mỹ khỏi NATO nếu không được 2/3 thượng nghị sĩ tại Thượng viện chấp thuận hoặc thông qua một đạo luật của quốc hội. Biện pháp này do hai thượng nghị sĩ Tim Kaine, đảng Dân chủ, và Marco Rubio, đảng Cộng hòa, đề xuất.
Tuy nhiên, Scott Anderson, học giả tại Viện Brookings, trụ sở tại Washington, cảnh báo đạo luật này không phải là khiên chắn hoàn hảo để ngăn ông Trump rút Mỹ khỏi NATO nếu tổng thống thứ 47 của Mỹ muốn làm như vậy.
Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Greenvale, New York ngày 5/12. Ảnh: AP
"Luật không quy định thẳng vào vấn đề rằng tổng thống Mỹ không được ra lệnh rút khỏi NATO, mà chỉ cảnh báo ông chủ Nhà Trắng không nên làm điều này và nếu phớt lờ, ông ấy sẽ phải đối mặt với vụ kiện pháp lý", theo ông Anderson.
Hiện chưa rõ quốc hội Mỹ có đủ cơ sở để tiến hành động thái pháp lý nếu ông Trump chỉ tuyên bố "đang rút khỏi NATO" hay không, Curtis Bradley, giáo sư Trường Luật, Đại học Chicago, nêu vấn đề.
Tòa án Tối cao thường cho rằng bất đồng giữa các nhánh quyền lực là vấn đề chính trị, và cách giải quyết tốt nhất là thông qua quy trình chính trị thay vì can thiệp tư pháp.
"Và để được đưa ra xét xử, vụ kiện cần phải có nguyên đơn", Bradley nói. "Bên duy nhất tôi nghĩ có thể khởi kiện là quốc hội, nhưng chưa rõ phe Cộng hòa tại lưỡng viện có ủng hộ động thái như vậy hay không".
Sau cuộc bầu cử tháng 11, phe Cộng hòa sẽ giành quyền kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện trong quốc hội khóa mới, khiến bất cứ động thái pháp lý nào chống lại ông Trump cũng rất khó xảy ra.
Ngay cả khi thụ lý giải quyết vụ kiện, Tòa án Tối cao cũng khó phân định thắng thua, bởi các vấn đề liên quan hiến pháp Mỹ thường mơ hồ. Quốc hội chưa bao giờ kiện trực tiếp tổng thống vì rút Mỹ khỏi một hiệp ước.
Theo hiệp ước của NATO, nếu muốn rời khỏi liên minh, một quốc gia sẽ phải trình "thông báo bãi ước" để các thành viên khác biết ý định. Quốc gia đó phải chờ một năm trước khi mất tư cách thành viên.
Nhưng NATO hoạt động dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau nên trình "thông báo bãi ước" không khác gì đã rời liên minh, theo Camille Grande, cựu trợ lý tổng thư ký NATO,Đăng ký Go88 nói với Politico. "Nó đồng nghĩa với tuyên bố 'tôi không còn giữ cam kết nữa'".
Ông Trump còn có thể làm suy yếu NATO mà không cần phải chính thức rút Mỹ khỏi khối. "Ông ấy có thể ngừng tương tác với NATO theo nhiều hình thức", Alexander Vershbow, nhà nghiên cứu tại viện chính sách Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở ở Washington, nói.
Ông Vershbow liệt kê một số tình huống mà Mỹ có thể "ngấm ngầm bỏ rơi" NATO như rút binh sĩ đồn trú ở châu Âu, dừng tham gia các sứ mệnh chung của khối hoặc thu hồi lá chắn tên lửa đang triển khai ở châu lục.
Các nghị sĩ Dân chủ cũng từng cảnh báo về khả năng ông Trump từ chối viện trợ, rút đại sứ khỏi liên minh hoặc không tham gia tập trận chung để "đoạn tuyệt" quan hệ với NATO mà không cần chính thức rút khỏi khối.
Hồi tháng 2, một số nghị sĩ đã kêu gọi quốc hội Mỹ đưa ra thêm biện pháp ngăn kịch bản này xảy ra, nhưng đến nay chưa có kết quả nào.
Ông Donald Trump họp báo tại trụ sở NATO, Brussels, Bỉ, ngày 12/7/2018. Ảnh: AFP
Trong khi phe chỉ trích cho rằng những cảnh báo của ông Trump đang làm suy yếu NATO, một số nghị sĩ Cộng hòa lại coi đây là biện pháp gây áp lực hiệu quả để các thành viên liên minh tăng chi tiêu cho quốc phòng.
Thực tế đã chứng minh điều này. Sau những lời đe dọa của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, NATO cho biết 23 trong số 32 thành viên liên minh sẽ đạt mục tiêu chi tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng, nhiều kỷ lục. Năm 2014, chỉ có ba nước thành viên NATO đáp ứng ngưỡng này là Mỹ, Anh và Hy Lạp.
Barry R. Posen, giáo sư khoa học chính trị quốc tế Học viện Công nghệ Massachusetts, bang Massachusetts, cho rằng các thành viên liên minh cần tăng cường tiếp xúc ngoại giao để thay đổi quan điểm của ông Trump và nhanh chóng tìm thêm nguồn lực dành cho quốc phòng nếu muốn cứu NATO.
"Mỹ đã thông qua luật ngăn tổng thống rút Washington khỏi NATO khi chưa được quốc hội chấp thuận", cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói. "Khi thăm quốc hội Mỹ, tôi cảm nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng dành cho NATO, ở lại NATO. Rõ ràng, tổng thống có thể khiến NATO khốn đốn, nhưng Mỹ rời NATO ư? Không".
Charles Kupchan, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viện chính sách trụ sở Washington, có chung nhận định.
"Bất chấp những lời đe dọa, tôi không cho rằng ông Trump sẽ rút Mỹ khỏi NATO. Tôi nghĩ ông ấy sẽ không muốn được nhớ đến là tổng thống Mỹ làm tan rã liên minh quân sự lớn nhất của phương Tây", Kupchan nói với Newsweek.
Như Tâm (Theo Politico, NBC News, Newsweek)